Hãy coi chừng !


Trong lúc cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang tập trung phòng chống dịch Covid-19 thì có những kẻ tâm địa xấu xa đã tung ra nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc, một số người “ăn không ngồi rồi” với suy nghĩ đơn giản là để câu kike, câu view thậm chí “nghe đâu nói đó” một cách “vô thưởng vô phạt” trên mạng xã hội … gây nên sự hoang mang, lo lắng cho người dân. Thời gian qua đã có hàng trăm người bị xử phạt hành chính về những hành vi phạm pháp đó. Còn những ai đang có suy nghĩ không đúng, thậm chí không tốt muốn làm như vậy thì hãy coi chừng, vì với trình độ phát triển công nghệ thông tin hiện nay của các cơ quan chức năng, không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị phát hiện và bị xử lý, nếu vi phạm nghiêm trọng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng năm 2018 với 7 chương, 43 điều bắt đầu có hiệu lực nhằm bảo đảm cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Trong đó, Luật yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet tại nước ta phải đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu về thông tin người dùng để có thể phát hiện những kẻ vi phạm… Điều 8 của Luật nhấn mạnh đến 14 hành vi vi phạm bị cấm trong đó có việc kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ … Ngoài ra, Điều 9 của Luật quy định xử lý vi phạm về an ninh mạng, cụ thể là người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Bên cạnh đó, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật đã dành Chương III quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật như: phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng… Đây chính là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng. Với các quy định chặt chẽ, sự tham gia đồng bộ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân, việc sử dụng thông tin để vu khống, làm nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ được xử lý nghiêm minh.

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng đã quy định rất rõ về các loại tội phạm như: tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân … Đáng chú ý tại Điều 117 về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm khi có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chiến tranh tâm lý. Còn phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…

Chương XXI quy định về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, tại Mục 2 về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông cũng đã quy định rõ về các tội như: sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông trong đó quy định: người nào thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi thực hiện một trong các hành vi sau: đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái quy định của pháp luật; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó và hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông….

Về xử lý hành chính, theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện cũng đã quy định rõ tại Mục 3 về hành vi vi phạm về thông tin trên mạng tại Điều 64.

Ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020; bãi bỏ Nghị định số 174/2013 nêu trên. Nghị định mới của Chính phủ quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP trước đây. Một nội dung đáng chú ý trong Nghị định mới đó là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm…  Và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nói trên…

Một khi nắm bắt được các quy định nói trên thì chắc chắn những ai đã, đang và sẽ thực hiện những hành vi sai trái sẽ bị pháp luật xử lý thậm chí trừng trị một cách thích đáng. Do vậy, tất cả mọi người không những hãy chung tay cùng với cả nước phòng chống dịch Covid-19 mà còn tích cực tuyên truyền phổ biến các quy định trên cũng như kiên quyết ngăn chặn, phát hiện và đấu tranh phòng chống dịch “tin giả” này./.

Ngàn Thông

Bình luận về bài viết này