NGỤY BIỆN LÀ CÓ HẠI


Mới thoảng qua, cứ tưởng Hà Sĩ Phu (Nguyễn Xuân Tụ) có lý lẽ và từ ngữ chuẩn xác, không ngờ vị này “chưa sạch nước cản” về từ ngữ tiếng Việt. Trên blog Bauxitevn, ông Tiến sĩ này có bài viết tựa đề: “Duy lý thô sơ sẽ thành ngụy biện có hại”.

Thưa Tiến sĩ, đã là ngụy biện thì làm gì có lợi? Ngụy biện có nghĩa là: “Cố ý dùng lý lẽ, cách bao biện có vẻ rất hợp lý, đúng đắn, nhưng thực tế là sai, để rút ra những sai lầm, dối trá” (Đại Từ điển Tiếng Việt). Thực ra, các bài viết của Hà Sĩ Phu đều ở dạng này, đúng với bản chất của ông ta – ngụy biện.

Tác giả viết: “Ta nói quy luật là để con người có niềm tin vào những định hướng tử tế chứ mở rộng ra và suy cho cùng dường như chẳng có quy luật gì hết”. Thế là “duy lý thô sơ” rồi còn gì nữa, đúng là có hại như ông ta suy nghĩ. Nói đến quy luật là nói đến mối liên hệ tất yếu giữa các hiện tượng trong thiên nhiên, xã hội, trong tư duy, không phải theo ý muốn chủ quan của con người. Nên nhớ rằng, sự vận động xã hội là một quá trình lịch sử-tự nhiên, chịu sự chi phối của những quy luật không những không phụ thuộc vào ý chí, ý thức và ý định của con người mà trái lại còn quyết định ý chí, ý thức và ý định của con người. Đành rằng, hiện nay trong tự nhiên, xã hội có những biểu hiện trái quy luật một chút, chẳng hạn biến đổi khí hậu, hoặc làm giả nhiều thứ (giả như là thật), nhưng không vì thế mà phủ định sạch trơn. Trời vẫn có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trái đất vẫn xoay quanh mặt trời theo một quy luật chứ, sao lại nói chẳng có quy luật gì hết?

Hà Sĩ Phu nêu ra những sai lầm cụ thể: “Quy luật “hạ tầng kinh tế quyết định thượng tầng chính trịkhông phải bao giờ cũng đúng”. Tác giả tùy tiện sử dụng cụm từ “thượng tầng chính trị”, thực ra người ta chỉ nói đến “thượng tầng kiến trúc” hoặc “kiến trúc thượng tầng” chứ có mấy ai diễn đạt như tác giả. Không nghi ngờ gì khi biết rằng lịch sử phát triển của xã hội là lịch sử vận động và phát triển thay thế lẫn nhau giữa các hình thái kinh tế-xã hội từ thấp đến cao. Sự vận động, phát triển của các hình thái kinh tế-xã hội là do sự tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Cơ sở hạ tầng là toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của một xã hội nhất định. Cơ sở hạ tầng của mỗi xã hội cụ thể, trừ xã hội nguyên thủy đều bao gồm quan hệ sản xuất thống trị, quan hệ sản xuất tàn dư của xã hội cũ và quan hệ sản xuất mầm mống của xã hội tương lai. Trong đó, quan hệ sản xuất thống trị bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo, chi phối các quan hệ sản xuất khác, quy định xu hướng chung của đời sống kinh tế-xã hội.

Có lẽ Hà Sĩ Phu cho rằng những người cầm quyền của Đảng Cộng sản đang áp đặt ý chí chủ quan bất chấp quy luật chăng? Đây là vấn đề cần bình tĩnh nhìn nhận, ngay ở Việt Nam cũng vậy, trong khoảng 10 năm sau khi thống nhất đất nước, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng có sự nôn nóng, tách rời hiện thực, vi phạm nhiều quy luật khách quan, trong đó có quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất, nên đã phạm những sai lầm trong mục tiêu, xác định các bước xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của thời kỳ mới. Điều này, Đảng Cộng sản Việt Nam không né tránh, đã thành khẩn nhận thiếu sót và rút ra kết luận: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan”.

Trở lại vấn đề tác giả đưa ra liên quan đến kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng. Trong kiến trúc thượng tầng có nhiều yếu tố, mỗi yếu tố có đặc trưng riêng, có quy luật phát triển riêng, nhưng chúng liên hệ và tác động qua lại lẫn nhau. Tất cả các yếu tố đều hình thành, phát triển trên cơ sở hạ tầng, song yếu tố khác nhau có quan hệ khác nhau đối với cơ sở hạ tầng. Có những yếu tố như chính trị, pháp quyền có quan hệ trực tiếp với cơ sở hạ tầng; còn các yếu tố như triết học, tôn giáo, nghệ thuật chỉ quan hệ gián tiếp. Cần phải tỉnh táo nhìn nhận rằng cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là hai mặt cấu thành hình thái kinh tế-xã hội, chúng thống nhất biện chứng với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng; song kiến trúc thượng tầng có tác động trở lại cơ sở hạ tầng. Mỗi cơ sở hạ tầng sẽ hình thành nên một kiến trúc thượng tầng tương ứng với nó. Tính chất của cơ sở hạ tầng quyết định tính chất của kiến trúc thượng tầng. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào thống trị về kinh tế thì cũng giữ địa vị thống trị về chính trị và đời sống tinh thần của xã hội. Các mâu thuẫn trong lĩnh vực kinh tế, xét đến cùng, quyết định các mâu thuẫn trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Một khi cơ sở hạ tầng thay đổi thì kiến trúc thượng tầng cũng thay đổi theo. Một nhà tư tưởng trên thế giới để lại một câu có tính kinh điển: “Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều, nhanh chóng”.

Trong bài viết, tác giả nêu: “ĐCSVN đổi mới về kinh tế nhưng vẫn giữ hai yếu tố cốt tử của Cộng sản là quyền lực chuyên chính và tư tưởng của ý thức hệ”. Vấn đề này không cần phải tranh luận nhiều, đảng nào mà chẳng mang tính giai cấp cùng với hệ tư tưởng của mình. Quốc gia nào cũng có sự cầm quyền cuả một  đảng nhất định. Thực ra “Đảng cầm quyền” là khái niệm chỉ một đảng chính trị đang nắm quyền lực nhà nước một cách công khai, chính thức và lãnh đạo chính quyền nhằm thực hiện mục tiêu của mình. Trong quá trình cầm quyền cuả Đảng Cộng sản, việc tồn tại một đảng hay nhiều đảng ở mỗi nước là do những điều kiện lịch sử cụ thể quy định, không có khuôn mẫu chung cho các nước. Từ năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành “Đảng cầm quyền”, từ năm 1947 đến năm 1988, ngoài Đảng Cộng sản lãnh đạo chính quyền, còn có hai đảng là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam tham gia chính quyền, nhưng cả hai đảng trên đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ tháng 11-1988 đến nay, Việt Nam chỉ còn lại duy nhất một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều chủ yếu đối với đảng cộng sản cầm quyền là cầm quyền một cách khoa học, dân chủ và theo pháp luật trên cơ sở giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của bộ máy, của cán bộ, đảng viên và quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Đảng hoạt động công khai, hợp pháp, hợp hiến; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước đã được nhân dân thừa nhận trong thực tế và được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân. Đảng có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, một công cụ đắc lực và sắc bén để Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với toàn xã hội và có Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Gần 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nhân dân và cả dân tộc Việt Nam thừa nhận là người tổ chức, lãnh đạo và quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vậy mà Hà Sĩ Phu thật phũ phàng, nói năng võ đoán, hàm hồ mang tính chất chủ quan, rằng: “Ở Việt Nam thì tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước lại gây bất lợi rất căn bản cho kế hoạch của giới cầm quyền”?! Đối với tất cả những người Việt Nam yêu nước, ai cũng biết rằng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là giá trị thiêng liêng chung của toàn dân Việt Nam, kể cả những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài; là sức mạnh tiềm tàng, thường trực trong lòng dân tộc; là nguồn lực không bao giờ cạn trong suốt chiều dài lịch sử đất nước và là đặc trưng tiêu biểu của tính cách con người Việt Nam. Điều này, đã được Đảng Cộng sản Việt Nam chú ý khơi dậy, phát huy. Tuy nhiên, ý kiến của tác giả có thể được coi là một “thông điệp”, nhắc nhở. Bởi lẽ, bất cứ tiềm năng tinh thần dù to lớn bao nhiêu muốn biến thành sức mạnh vật chất đều cần phải biết thường xuyên khơi dậy, phát huy. Nhưng phải góp ý với tinh thần xây dựng chứ, sao cứ rơi vào tâm trạng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Thơ Nguyễn Du).

Vẫn điệp khúc cũ rích, Hà Sĩ Phu ám chỉ Việt Nam “độc tài cộng sản”. Điều này không ngoài mục đích đòi đa nguyên, đa đảng, lật đổ chế độ cộng sản. Tư tưởng đó đang làm vẩn đục môi trường chính trị. Nên nhớ rằng, nền dân chủ tư sản không phải thực sự đa nguyên đa đảng mà là một nền dân chủ nhất nguyên tư sản, không có đảng đối lập. Cái mà người ta yêu cầu các nước XHCN làm chính là cái mà giai cấp tư sản họ không làm. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động có quyền thực hiện sự nhất nguyên XHCN như tư sản đã làm nhất nguyên tư sản. Như thế mới công bằng. Chỉ có điều giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện nhất nguyên một cách công khai, đàng hoàng chứ không cần che đạy. Nền dân chủ XHCN không cần thể chế đa nguyên, đa đảng. Điều đó được pháp chế hóa, được ghi vào hiến pháp của các nước XHCN, trong đó có Việt Nam như đã nói. Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn, trong buổi bình minh của chế độ XHCN, nền chuyên chính của giai cấp công nhân và nhân dân lao động còn phải dùng các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chế độ. Đương nhiên, không cho đảng chính trị tư sản được phép tồn tại đóng vai trò phá hoại nền chuyên chính. Chính nhà nước của giai cấp tư sản cũng đưa vào pháp chế những đạo luật chống cộng để bảo vệ chế độ của giai cấp tư sản.

Nhà nước pháp quyền chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân; đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam; trên cơ sở liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; là công cụ quyền lực chủ yếu để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Không thể có chuyện “độc tài cộng sản” theo lối ngụy biện của những kẻ đang bơi ngược dòng!

Hà Phúc Lâm