Hãy coi chừng !


Trong lúc cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang tập trung phòng chống dịch Covid-19 thì có những kẻ tâm địa xấu xa đã tung ra nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc, một số người “ăn không ngồi rồi” với suy nghĩ đơn giản là để câu kike, câu view thậm chí “nghe đâu nói đó” một cách “vô thưởng vô phạt” trên mạng xã hội … gây nên sự hoang mang, lo lắng cho người dân. Thời gian qua đã có hàng trăm người bị xử phạt hành chính về những hành vi phạm pháp đó. Còn những ai đang có suy nghĩ không đúng, thậm chí không tốt muốn làm như vậy thì hãy coi chừng, vì với trình độ phát triển công nghệ thông tin hiện nay của các cơ quan chức năng, không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị phát hiện và bị xử lý, nếu vi phạm nghiêm trọng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng năm 2018 với 7 chương, 43 điều bắt đầu có hiệu lực nhằm bảo đảm cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Trong đó, Luật yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet tại nước ta phải đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu về thông tin người dùng để có thể phát hiện những kẻ vi phạm… Điều 8 của Luật nhấn mạnh đến 14 hành vi vi phạm bị cấm trong đó có việc kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ … Ngoài ra, Điều 9 của Luật quy định xử lý vi phạm về an ninh mạng, cụ thể là người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Bên cạnh đó, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật đã dành Chương III quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật như: phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng… Đây chính là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng. Với các quy định chặt chẽ, sự tham gia đồng bộ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân, việc sử dụng thông tin để vu khống, làm nhục, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ được xử lý nghiêm minh.

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng đã quy định rất rõ về các loại tội phạm như: tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân … Đáng chú ý tại Điều 117 về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm khi có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chiến tranh tâm lý. Còn phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…

Chương XXI quy định về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, tại Mục 2 về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông cũng đã quy định rõ về các tội như: sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông trong đó quy định: người nào thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi thực hiện một trong các hành vi sau: đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái quy định của pháp luật; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó và hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông….

Về xử lý hành chính, theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện cũng đã quy định rõ tại Mục 3 về hành vi vi phạm về thông tin trên mạng tại Điều 64.

Ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020; bãi bỏ Nghị định số 174/2013 nêu trên. Nghị định mới của Chính phủ quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP trước đây. Một nội dung đáng chú ý trong Nghị định mới đó là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm…  Và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nói trên…

Một khi nắm bắt được các quy định nói trên thì chắc chắn những ai đã, đang và sẽ thực hiện những hành vi sai trái sẽ bị pháp luật xử lý thậm chí trừng trị một cách thích đáng. Do vậy, tất cả mọi người không những hãy chung tay cùng với cả nước phòng chống dịch Covid-19 mà còn tích cực tuyên truyền phổ biến các quy định trên cũng như kiên quyết ngăn chặn, phát hiện và đấu tranh phòng chống dịch “tin giả” này./.

Ngàn Thông

Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật


Những năm qua, các thế lực thù địch đã thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam bằng các phương pháp, thủ đoạn khác nhau, trong đó, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực mà chúng thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Đây là vấn đề nhạy cảm cần phải tăng cường công tác đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực này.

Văn học, nghệ thuật (VHNT) là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Nhận thức sâu sắc điều đó, trong tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển VHNT theo hướng vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn cốt cách, bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhờ vậy, VHNT của nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tế sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội… Bên cạnh mở cửa với thế giới, Đảng ta đã có những định hướng kịp thời về văn hóa, VHNT, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm hay, mang hơi thở hiện thực cuộc sống. Việc mở rộng không gian sáng tạo về đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác đã tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp cận mạnh mẽ hiện thực mới, làm sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn. Đã xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa, VHNT, những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa được bổ sung nhiều tài năng trẻ, đem đến nhiều sinh khí mới cho phong trào VHNT cả nước. Giao lưu văn học, nghệ thuật được mở rộng…

Tuy nhiên, trong bối cảnh thuận lợi và phức tạp đan xen đó, đã xuất hiện một số tác phẩm VHNT có nội dung lệch lạc, sai trái, phủ nhận thành quả công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phủ nhận thành tựu đổi mới, phủ nhận nền VHNT cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của VHNT, truyền bá lối sống thực dụng, đề cao tuyệt đối tự do cá nhân… Một trong những mũi nhọn chống phá hàng đầu để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là tập trung xuyên tạc, xúc phạm đến lãnh tụ Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch cho rằng sở dĩ chế độ cộng sản ở Việt Nam còn tồn tại được đến ngày nay là nhờ nương tựa vào cái bóng của “huyền thoại Hồ Chí Minh”; do đó, muốn chế độ ở Việt Nam sụp đổ thì một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải xóa bỏ được “thần tượng” này. Từ hải ngoại, chúng lan truyền các thông tin, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Một số đối tượng đã nhân danh nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn…ở trong nước và nước ngoài có quan điểm sai trái, lệch lạc cũng có những ấn phẩm mang hình thức văn học phụ họa, tiếp tay cho chúng. Có thể kể đến: Bùi Tín với “Mặt Thật” (hồi ký, 1994); Lê Hữu Mục với Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký” (nghiên cứu, 1990); Dương Thu Hương với “Đỉnh cao chói lọi” (tiểu thuyết, 2009)…

Điều đáng tiếc, một số người đã từng tham gia cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc, nhưng do thiếu bản lĩnh đã cho ra đời những tác phẩm thể hiện sự lệch lạc trong nhận thức, gây ra những tác hại trên lĩnh vực tư tưởng. Có thể kể đến một vài tác phẩm như: Truyện ngắn “Sang sông” của Nguyễn Huy Thiệp có đoạn viết “Một đoàn khách qua sông, có đủ hạng người. Có một em bé đến bên nhà buôn cổ vật. Em thích chiếc bình cổ, đưa tay vào tìm bên trong bình có gì không. Nhưng không tài nào rút tay ra được. Người ta bàn nhau mỗi người một sáng kiến. Có người bảo phải chặt tay đứa bé. Một người khác bảo phải đập vỡ cái bình để cứu lấy đứa bé”. Không khó để nhận ra hàm ý của người viết muốn nói rằng, tương lai muốn phát triển phải đập vỡ quá khứ, quá khứ luôn luôn kiềm chế, buộc chân sự phát triển. Tác giả nêu hình tượng Chiếc bình cổem bé; đập vỡ chiếc bình cổ, là đập vỡ tinh hoa của quá khứ, đập vỡ lịch sử dân tộc. Phải chăng truyện ngắn trên vừa gieo cái ác, vừa sai lầm về đạo lý dân tộc. Hay trong truyện “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu miêu tả “Một cô gái về làm dâu, nằm ngủ trên gian giữa, chưa được ngủ đêm tân hôn thì bị bóng đè. Đó là bóng của những người đàn ông trong gia tộc từ mấy đời đến hãm hiếp nàng dâu mới”. Tác giả đã miêu tả một cách nhầy nhụa, thích thú. Đó là sự vô đạo trong văn học.

Còn có những tác phẩm phủ nhận văn học cách mạng, kháng chiến, chia rẽ đội ngũ. Hô hoán đổi gác trong thơ, cho rằng thế hệ chống Mỹ đã làm xong nhiệm vụ, phải thay gác, bàn giao cho thế hệ trẻ. Đây thực chất là cái cớ để phủ định sạch trơn văn học cách mạng, kháng chiến, phân hóa đội ngũ. Quan điểm cho rằng, thơ Việt Nam hiện đại chỉ có Thơ MớiThơ Trẻ, trắng trợn phủ nhận thơ chống Pháp, thơ chống Mỹ. Trong sáng tác, lý luận phê bình luôn phân biệt cũ, mới, già, trẻ; cho trẻ là trên hết, là tiêu biểu cho diện mạo văn nghệ hiện nay, còn lớp già thì lập tức bị quy là bảo thủ, cũ kỹ; những lập luận như vậy là không có căn cứ, là ấu trĩ; xúc phạm đến các nhà văn, nhà thơ đã có nhiều cống hiến trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ảnh hưởng đến đạo lý và tình nghĩa những người đồng nghiệp.

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị cao đẹp của VHNT cách mạng, cần có sự kết hợp hài hòa giữa “chống” và “xây”, giữa đấu tranh trực diện và đấu tranh gián tiếp trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan báo chí, xuất bản là người tổ chức, hướng dẫn, lan tỏa, là những mặt trận xung yếu chống lại các quan điểm sai trái cản bước VHNT. Trong lĩnh vực văn học, việc tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ và nhân dân cần tiếp tục được tiến hành với hai hình thức: nghiên cứu và quảng bá sâu rộng các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thúc đẩy hoạt động sáng tác về Hồ Chí Minh, làm sáng rõ tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách của Người qua tác phẩm của các văn nghệ sĩ. Bảo vệ tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là bảo vệ chân lý và sự thật, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là một công việc lâu dài, gian khổ, đòi hỏi dũng khí, trí tuệ và sáng tạo dưới nhiều hình thức để tăng tính thuyết phục, hiệu quả./.

Linh Kiều

Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 !


Có thể nói chưa bao giờ nhân loại quan tâm, lo lắng như hiện nay khi mỗi ngày số người nhiễm bệnh, người chết vì đại dịch Covid-19 liên tục tăng. Ở Việt Nam, đến nay 3 buổi sáng liên tiếp (theo bản tin lúc 6 giờ sáng của Bộ Y tế, từ ngày 5/4 – 7/4/2020) không có ca bệnh mới Covid-19. (Việt Nam hiện đang có 245 ca mắc tính đến 11h30 ngày 7/4/2020), đây là tin vui rất lớn từ công tác dập dịch mang lại. Hiện nay đang là thời điểm chống dịch quyết liệt nhất, dù còn nhiều khó khăn, thách thức; song với quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Việt Nam sẽ chiến thắng“giặc dịch”Covid-19…

Nghệ sĩ cả nước đang tích cực cổ vũ công tác phòng, chống đại dịch COVID -19

Cả nước “vào trận”

Từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, sau đó bùng phát dịch bệnh do chủng virus corona tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối tháng 12/2019 cho đến hiện tại (nói trên), đã có 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận có người mắc dịch bệnh, với 1.345.653 người mắc; 74.644 người tử vong.

Tại Việt Nam, có 245 trường hợp nhiễm dịch bệnh Covid-19; trong đó, 62,2% số ca là người nước ngoài, 106 người đã được chữa khỏi bệnh; trong 52 bệnh nhân đang điều trị, có 23 bệnh nhân đã âm tính lần 2 với virus SARS-CoV-2; 29 bệnh nhân âm tính lần 1. Hiện có 69.266 người đang cách ly tại các bệnh viện, cơ sở y tế, tại nhà…

Trong khi đó, nhiều nước như: Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Anh, Iran… số người nhiễm và số ca tử vong tăng lên hàng ngày, có quốc gia, số người nhiễm mới và số ca tử vong tăng vọt. Hoang mang, sợ hãi là trạng thái chung của nhân dân mọi quốc gia trên thế giới. Ngày 11/3/2020, Tổ chức y tế thế giới (WHO) chính thức công bố dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu.

Giữa lúc hoảng loạn, thế giới nhìn về Việt Nam, ngưỡng vọng Việt Nam vì đã giang tay đón, chăm sóc, cứu chữa tất cả bệnh nhân, bất luận đó là công dân của quốc gia nào, từ đâu tới. Tất cả các khâu từ: đón tiếp, bố trí nơi ở, khu cách ly, khám, xét nghiệm, chăm sóc thuốc men điều trị bệnh, cho đến việc ăn uống, sinh hoạt…đều miễn phí (không thu một xu nào của người bệnh). Hỏi trên thế giới có quốc gia nào nhân đạo hơn Việt Nam? Đối xử với con người tử tế như Việt Nam !

Hầu hết các nước trên thế giới, thậm chí tại các nước giàu có, tiềm lực về kinh tế cũng như y tế giàu mạnh hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng việc chữa trị một ca nhiễm Covid-19 phải trả rất nhiều tiền, người nghèo chắc chắn không thể chi trả nổi; không có cái gì là miễn phí cả !

Đối với bà con Kiều bào ta sinh sống, làm việc ở nước ngoài, các du học sinh… trong những tháng ngày gian nan, khốn khó, không có nơi nào lý tưởng hơn là về Việt Nam – chốn bình yên và an toàn nhất. Theo nhiều Việt Kiều, các nước đã công bố đại dịch Covid-19, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, việc làm ăn, kinh doanh đình đốn, trường học đóng cửa… thì trở về Việt Nam là chọn lựa thông minh nhất.

Tổ quốc sẵn sàng dang rộng vòng tay, đón tiếp những người con xa xứ trở về, họ được kiểm tra sức khỏe, bố trí cách ly, theo dõi chữa trị kịp thời nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch dịch COVID-19 đã nói lời gan ruột: “Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”!

Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, đoàn kết chiến đấu dịch bệnh COVID-19 với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết.

Trên tinh thần đó, ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447-QĐ/TTg về việc công bố dịch COVID -19 trên toàn quốc. Trước đó một ngày (31/3), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”. Chỉ thị quy định thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu…

Lên án, bác bỏ thông tin xuyên tạc

Trong khi cả nước bước vào “cuộc chiến” với đại dịch nguy hiểm, quái ác; tong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dốc toàn bộ sức lực, tiền của để phòng, chống dịch Covid-19; hàng ngàn cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, lưc lượng vũ trang ngày đêm lăn xả cứu chữa người bệnh, thì một số tổ chức, cá nhân không những tỏ ra thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, họ còn cố tình xúc phạm uy tín, xuyện tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; số khác thì lu loa chê bai, lên án, nhẫn tâm phủ nhận công sức, sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội và các lực lượng chức năng trong phòng, chống “giặc dịch”!.

Các tổ chức phản động và số đối tượng cực đoan trong các tổ chức “xã hội dân sự”, Hội, Nhóm phản động như: Việt Tân, “Ủy ban Cứu người vượt biển”, đài phát thanh BBC, VOA, RFA, Chân trời mới media, Đài Á Châu Tự Do, “Nhật Ký Yêu Nước”, “Hội anh em dân chủ”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”… “Phạm Minh Vũ”, “Đoàn Thị Thùy Dương”, Trần Thị Ái Liên, Hoàng Anh Tuấn…đã phát tán nhiều tin, bài xuyên tạc, vu khống, bịa đặt về dịch bệnh Covid-19, tỏ rõ thái độ chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng lu loa rằng Việt Nam “giấu dịch”; dựng chuyện “Việt Nam đạo diễn” ra trường hợp bệnh nhân thứ 17 về từ Anh dương tính với dịch Covid-19 để nhận 2,5 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ; “Việt Nam không đủ sức ngăn chặn dịch Covid-19” và tung nhiều thông tin bịa đặt gieo rắc hoài nghi, nhằm gây hoang mang, lo lắng trong dư luận Nhân dân.

Theo Bộ Công an, đã có hơn 600.000 tin, bài, video clip của các tổ chức phản động, số đối tượng cực đoan xuyên tạc về dịch bệnh Covid-19 phát tán trên mạng xã hội; trong đó, gần 600 trường hợp đưa thông tin bịa đặt, vu khống, chống phá… đã bị các ngành chức năng xử lý nghiêm khắc.

Trong khi cả nước chung tay dập dịch; cán bộ, y bác sĩ gác việc gia đình, hy sinh mọi riêng tư để lao vào công việc thầm lặng cứu chữa người bệnh; hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ nhường doanh trại, chăn ấm nệm êm cho người cách ly ở; biết bao  người tận tình, chu đáo phục vụ từng bữa ăn, giấc ngũ cho người cách ly…; trong số họ đã có nhiều người bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân. Thì buồn thay, có những vị học cao, hiểu rộng, lẽ ra họ phải hiểu, thông cảm và sẻ chia với những nhọc nhằn, vất vả, hiểm nguy; nhưng ngược lại, đã có những kẻ kêu ca, đòi hỏi hết sức vô lý; thậm chí chửi bới, mạt sát những người phục vụ mình… Có kẻ bỏ trốn cách ly gây nguy hiểm cho cộng đồng; có kẻ không chấp hành quy định về đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khi được nhắc nhở đã chửi bới, xúc phạm thậm chí là chống người thi hành công vụ…

Mới đây, tại Đà Nẵng và Đà Lạt, hơn 15 thanh thiếu niên đã tụ tập hút ma túy rồi tổ chức đua xe trong “mùa dịch Covid”, dẫn đến 02 cán bộ Công an Đà Nẵng hy sinh. Còn và còn hàng trăm thói hư, tật xấu; “rơi rớt” những kẻ vô cảm, vô tâm, “vô pháp vô cương” quay lưng, hoặc cợt đùa trước sinh mạng của giống nòi !

Cổ nhân có câu: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu” (Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn); nôm na là để hoàn thành đại cuộc (chặn đứng, đẩy lùi đại dịch), chúng ta không chấp những kẻ tiểu nhân, những kẻ lạc loài và những việc vặt vãnh !!!.

Tính từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh vi rút Corona), đến nay trải qua 80 ngày Việt Nam chiến đấu với dịch Covid-19. Trong khi thế giới đã có hơn 1,3 triệu người mắc và gần 75.000 người chết, Việt Nam là một trong những quốc gia có số ca nhiễm ít nhất và chưa có trường hợp tử vong. Có thể, trong những ngày tới, số ca nhiễm sẽ còn tăng; nhưng hiện nay số ca nhiễm mới đang có dấu hiệu chững lại, đây là tín hiệu rất vui, rất đáng tự hào !

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; cả nước “vào trận”; với truyền thống yêu nước, kiên cường và bản lĩnh dân tộc, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 !…

Chính Tâm