Đất đai thuộc sở hữu toàn dân – Điều Hà Sỹ Phu không muốn biết!


Cuối tháng 4 năm 2017, trên một số trang mạng xấu đã đưa bài viết của Hà Sĩ Phu với tựa đề “Đất đai và bản chất ăn cướp của một điều luật” nói về Điều 53 của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trong đó ông ta đã cố lập luận theo sự hiểu biết của chính mình về vấn đề này… Điều đáng nói nhất là với trình độ của một người từng đi nghiên cứu sinh khoa học ở nước ngoài thì lẽ ra phải hiểu nhiều, biết nhiều nhưng đáng tiếc lại có điều mà Hà Sĩ Phu không muốn biết !

Là người Việt Nam, ai mà không biết nước ta vốn là một nước nông nghiệp và nông dân chiếm đại bộ phận trong dân cư cho nên đất đai có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Do vậy, mỗi khi ban hành, sửa đổi, bổ sung đạo luật cơ bản nhất là Hiến pháp và luật chuyên ngành là Luật đất đai mà trước đó phải tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo thì việc quy định chế độ sở hữu đất đai luôn thu hút được sự chú ý đặc biệt của mọi người dân. Mặc dù có ý kiến cho rằng phải đa dạng hình thức sở hữu đất đai trong đó có sở hữu tư nhân về đất đai, nhưng đây chỉ là ý kiến của một số ít người trong khi đại đa số nhân dân tán thành chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, không tư nhân hóa đất đai…

Đâu phải đến năm 2013 khi sửa đổi Hiến pháp, nước ta mới quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân tại Điều 53 “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Cách đó hơn 33 năm vào năm 1980, khi tiến hành xây dựng Hiến pháp của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, qua góp ý của toàn dân và qua thảo luận tại Quốc hội khóa VI, Điều 19 của Hiến pháp năm 1980 đã được thông qua với nội dung “Đất đai, rừng núi, sông hồ…đều thuộc sở hữu toàn dân” cùng với Điều 20 “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch chung, nhằm bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lý và tiết kiệm. Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật…”. Đến Hiến pháp năm 1992 với Điều 17 quy định “Đất đai, rừng núi, sông hồ… đều thuộc sở hữu toàn dân”, Điều 18 “Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài…”. Trên cơ sở Hiến pháp, ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai với Điều 4 quy định rõ: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này”.

Tất cả các quy định trên đều đã được xây dựng trên lập luận vững chắc: Đất đai chính là thành quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước hàng ngàn năm của cả một dân tộc anh hùng và bất khuất. Nếu không kiên cường chiến đấu với giặc ngoại xâm thì độc lập tự do còn không có còn nói gì đến đất với đai và có thể khẳng định rằng từng tấc đất hiện tại đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của tổ tiên, ông cha để giữ gìn cho các thế hệ hôm nay và cả mai sau… Đất đai đó là thành quả chung của cả dân tộc chứ đâu phải của riêng ai nên phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung của toàn thể nhân dân…

Do vậy, không thể để cho một số người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu đất đai bởi vì đó không những là kìm hãm sự phát triển nông nghiệp mà còn dẫn đến tình cảnh đại đa số nông dân không có ruộng đất, phải thuê lại của địa chủ, phong kiến và bị bóc lột địa tô rất nặng nề như trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cũng cần phải nhớ rằng dưới thời phát xít Nhật chiếm đóng nước ta, bắt dân ta nhổ lúa trồng đay đã dẫn đến tình cảnh hàng triệu nông dân bị chết đói vào năm Ất Dậu hay việc tập trung đất đai trong tay một số người có nhiều tiền, dẫn đến có người sở hữu quá nhiều đất, người không có tấc đất cắm dùi đã diễn ra trong cải cách ruộng đất của chế độ Mỹ – Diệm những năm 60 của thế kỷ XX ở miền Nam nước ta… Từ thực tế ấy, tất yếu không bao giờ thiết lập lại chế độ sở hữu tư nhân về đất đai để đưa người dân Việt Nam trở về chế độ nông nô – địa chủ như trước kia được!

Hơn nữa, trong điều kiện nước ta đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc thiết lập chế độ sở hữu tư nhân về đất đai là một yếu tố cản trở đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội bởi vì muốn công nghiệp hóa, đô thị hóa thì đòi hỏi phải chuyển một diện tích đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Nếu đất đai thuộc sở hữu tư nhân thì nhà đầu tư phải thỏa thuận với quá nhiều người và chỉ cần có một người không đồng ý với phương án chung hoặc ra giá quá cao thì làm sao mà triển khai thực hiện được… Nếu đất đai thuộc sở hữu tư nhân thì thử hỏi ai có quyền ngăn cản người chủ đất sử dụng đất – tài sản riêng của họ – theo ý họ. Và như thế đất đai có xu hướng được sử dụng không hiệu quả, không vì mục đích sinh tồn của đa số dân cư khi một người sở hữu nhiều đất nhưng không có nhu cầu sử dụng đất đó có hiệu quả trong khi có rất nhiều người nông dân sống lay lắt vì không có đất, không có việc làm!

Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua, khi Nhà nước cho phép người có quyền sử dụng đất chuyển nhượng quyền này, một số người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đã vì khó khăn, vì tham lời trước mắt mà bán đất để rồi không có đất sản xuất nên sa vào khó khăn, nghèo đói buộc xã hội phải cứu trợ và Nhà nước phải giao đất khác cho họ tiến hành sản xuất. Nếu đất đai thuộc sở hữu tư nhân, khi nhiều hộ nông dân nghèo mất đất, thử hỏi nếu Nhà nước muốn mua lại đất để giao cho dân thì liệu có thể thực hiện được không?

Mặc dù hiện nay, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, song cũng không thể thực hiện đa hình thức sở hữu về đất đai. Bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt và có hạn; là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, không giống như các tư liệu sản xuất, tài sản thông thường khác. Do đó, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật thì việc khai thác, sử dụng đất đai mới bảo đảm hiệu quả cao, nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.

Cần khẳng định rằng, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là khái niệm “mơ hồ”, “tù mù” hay người dân không có thực quyền gì đối với đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai không đồng nhất với sở hữu Nhà nước về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai phải được hiểu là đất đai không thuộc sở hữu của riêng ai, toàn thể nhân dân là chủ sở hữu đối với đất đai, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý. Việc quy định Nhà nước ở nước ta là đại diện chủ sở hữu đất đai và thống nhất quản lý xuất phát từ bản chất của Nhà nước là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Mọi tài sản, tư liệu sản xuất do Nhà nước đại diện cho dân là chủ sở hữu đều được sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích chung của toàn thể nhân dân. Đồng thời, thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không làm hạn chế đến quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Các điều 166 và 167 của Luật đất đai đã quy định rõ: người sử dụng đất có các quyền chung và các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất. Thực tế bao nhiêu năm nay chính người dân đã thực hiện những quyền có liên quan đến đất đai của mình một cách thuận lợi…

Trong thời gian qua, ở nước ta nảy sinh một số tiêu cực, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, song những hạn chế, tiêu cực đó không phải do bản chất của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai gây ra. Những hạn chế, tiêu cực đó một mặt, do sự yếu kém trong quản lý đất đai của Nhà nước, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ. Đến nay, chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp; tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai còn không ít hạn chế, yếu kém, một bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng. Mặt khác, do nước ta trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, đất đai có nguồn gốc rất phức tạp… Trước thực trạng đó, Luật đất đai năm 2013 đã có những điều chỉnh, bổ sung để việc quản lý, sử dụng đất đai chặt chẽ, hiệu quả hơn, hạn chế nảy sinh những tiêu cực, hạn chế và Nhà nước tiếp tục sửa đổi, bổ sung thêm để hệ thống pháp luật về đất đai ngày càng hoàn thiện kể cả việc xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng mở rộng hạn điền cho việc tích tụ ruộng đất được thuận lợi cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn…

Được biết cho đến năm 2003, cả nước đã cơ bản giao xong đất nông nghiệp cho gần 12 triệu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng, với diện tích gần 9,4 triệu ha. Trong đó, đã cấp hơn 11,49 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tương ứng với 92,7% số đối tượng và 97,8% số diện tích); đã giao và cho thuê sử dụng vào mục đích chuyên dùng và xây dựng nhà ở 44.691 dự án (công trình) với tổng diện tích 405.910 ha… Trong hai năm 2014 và 2015 là những năm trọng tâm triển khai tổ chức thi hành Luật đất đai năm 2013, cả nước đã tiếp tục thực hiện công việc này. Đến hết tháng 6 năm 2015, đã cấp 41.757.000 Giấy chứng nhận với diện tích 22.963.000 ha, đạt 94,9% diện tích cần cấp các loại đất chính và tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều cơ bản hoàn thành mục tiêu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội…

Từ những vấn đề trên cho thấy, việc quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật trong Hiến pháp và Luật đất đai là rất cần thiết và đúng đắn. Việc làm này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta, bảo đảm sự thống nhất lợi ích của người dân và lợi ích quốc gia chứ không phải như Hà Sĩ Phu và một số người đưa ra luận điệu cho rằng sở hữu toàn dân về đất đai là “nói chữ”, là “cướp đi quyền tư hữu”, là người dân không có quyền thực sự đối với đất đai… Luận điệu của họ nhằm nhằm mục đích cổ súy cho tư nhân hóa đất đất đai, phủ nhận chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và thực chất là cản trở việc triển khai thực hiện các quy định của Hiến pháp về đất đai đã có từ 33 năm nay…

Và đó cũng chính là điều mà Hà Sĩ Phu và cả những kẻ “đồng hội đồng thuyền” biết rất rõ, nắm rất rõ vì họ cũng đang sống trên đất, đang được sử dụng đất và có kẻ còn đang kinh doanh trên đất để kiếm lợi. Thế nhưng họ cố tình không muốn biết để thực hiện những âm mưu, toan tính trái “đạo lý, luân thường”, đi ngược lại với lòng mong muốn của toàn thể dân tộc Việt Nam đang ngày đêm hăng say lao động cống hiến sức mình để giữ gìn và bồi bổ cho đất đai – thành quả hàng ngàn đời mà cả dân tộc đã có được./.

Ngàn Thông

Bình luận về bài viết này